1. Các trường hợp đăng ký nuôi con nuôi thực tế
Điều 23 Nghị định 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 03 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi quy định các trường hợp đăng ký nuôi con nuôi thực tế bao gồm:
- Nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau mà chưa đăng ký trước ngày 01 tháng 01 năm 2011
- Nuôi con nuôi ở khu vực biên giới giữa: trẻ em nước láng giềng với công dân Việt nam và giữa trẻ em Việt Nam với công dân nước láng giềng; mà chưa đăng ký trước ngày 01 tháng 01 năm 2011.
2. Yêu cầu, điều kiện đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế (Khoản 1 Điều 50 Luật Nuôi con nuôi năm 2010)
- Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;
- Đến thời điểm Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực (ngày 01/01/2011), quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống;
- Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.
3. Thủ tục đăng ký nuôi con nuôi thực tế được tiến hành như sau (Điều 23, 24 và 25 Nghị định 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 03 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi)
3.1. Hồ sơ bao gồm
- Tờ khai đăng ký việc nuôi con nuôi (theo mẫu số TP/CN-2011/CN.03, ban hành kèm theo Thông tư 12/2011/TT-BTP) ghi rõ về ngày tháng năm nhận nuôi trên thực tế, có chữ ký của ít nhất 2 người làm chứng;
- Bản sao giấy chứng minh nhân dân và hộ khẩu của người nhận nuôi con (theo pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật của nước láng giềng nơi người nhận nuôi thường trú);
- Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh của người được nhận làm con nuôi;
- Bản sao giấy chứng nhận kết hôn của người nhận nuôi con (nếu có);
- Giấy tờ, tài liệu khác để chứng minh về việc nuôi con nuôi (nếu có).
3.2. Cơ quan tiến hành giải quyết
- Đối với trường hợp nhận nuôi con nuôi trong nước: trực tiếp tại UBND xã nơi người nhận con nuôi thường trú.
- Đối với trường hợp người nước láng giềng nhận nuôi con nuôi trong nước: trực tiếp tại UBND cấp xã nơi đứa trẻ thường trú.
3.3. Trình tự thực hiện
Bước 1: Người nhận con nuôi nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi tại UBND cấp xã nơi mình thường trú;
Bước 2: UBND cấp xã cử công chức tư pháp-hộ tịch phối hợp với Công an xã tiến hành kiểm tra và xác minh;
Bước 3: Nếu các bên đáp ứng đủ điều kiện thì công chức tư pháp-hộ tịch ghi vào sổ đăng ký việc nuôi con nuôi và Giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi;
Bước 4: Chủ tịch UBND cấp xã ký Giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi và cấp cho người nhận nuôi con nuôi một bản chính.
3.4. Thời hạn
15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
3.5 Lệ phí
- Nuôi con nuôi trong nước: 400.00 đồng/trường hợp;
- Nuôi con nuôi ở biên giới: 9.000.000 đồng/trường hợp.