Anh trai tôi mắc bệnh tâm thần, gia đình tôi đã đề nghị Tòa án tuyên anh bị mất năng lực hành vi dân sự và trao quyền giám hộ cho mẹ tôi. Anh tôi năm nay đã 35 tuổi, không có vợ con. Anh tôi thường hay chơi đùa với bọn trẻ con nhà hàng xóm, và đã lỡ tay lấy đá ném vỡ cửa kính của gia đình họ. Họ yêu cầu mẹ tôi phải bồi thường thiệt hại cho họ. Mẹ tôi đã lớn tuổi, không có thu nhập do vậy không đủ khả năng thanh toán khoản nợ trên. Họ dọa sẽ khởi kiện vụ việc này ra tòa. Vậy, tôi muốn hỏi, mẹ tôi có phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này hay không?
Trả lời:
Về nguyên tắc thì khi xuất hiện hành vi xâm hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác, thì người gây ra hành vi đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại. Tuy nhiên, ta còn cần xem xét đến yếu tố năng lực bồi thường thiệt hại của người gây hại. Trường hợp này, anh bạn là người mất năng lực hành vi dân sự, do vậy, trách nhiệm bồi thường sẽ do người giám hộ gánh vác, trừ một số trường hợp cụ thể. Quy định này được ghi nhận tại Điều 606 BLDS như sau: “Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường." Như vậy, bạn phải xem xét hai yếu tố để xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này:
- Anh bạn có tài sản riêng hay không?: Trường hợp anh bạn có tài sản riêng thì mẹ bạn sẽ được phép dùng tài sản riêng đó để bồi thường thiệt hại cho hàng xóm bạn. Ngược lại, nếu như anh trai bạn không có tài sản riêng, thì mẹ bạn, với vai trò người giám hộ có thể sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hành vi do anh bạn gây ra. Việc mẹ bạn có phải chịu trách nhiệm hay không có liên quan đến yếu tố thứ hai mà tôi sẽ nói tới dưới đây;
- Mẹ bạn có lỗi trong hành vi của anh bạn không?: Yếu tố lỗi ở đây không được quy định một cách cụ thể mà tùy thuộc vào sự chứng minh của bạn trước Tòa. Gia đình bạn phải chứng minh được rằng, hành vi của anh bạn là không thể lường trước được và mẹ bạn đã thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn, giám sát anh bạn nhưng không thành công… Trường hợp, bạn/mẹ bạn chứng minh được mẹ bạn không có lỗi, mẹ bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường cho hành vi này của anh bạn.